• Thứ 6, 29/03/2024
  • (GMT+7)

Ứng dụng PET/CT trong tim mạch

1. Nguyên lý cơ bản của ghi hình PET

Từ giữa những năm 1970, ghi hình cắt lớp bằng bức xạ positron (Positron Emission Tomography: PET) được sử dụng nghiên cứu trong lâm sàng các bệnh thần kinh và tim mạch. Hơn một thập kỷ sau, các nhà nghiên cứu nhận thấy PET còn là một công cụ chẩn đoán có giá trị trong ung thư. Khác với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh cấu trúc, giải phẫu như chụp cắt lớp vi tính (Computed Tomography-CT) hay cộng hưởng từ (Magnetic Resonance Imaging- MRI), PET ghi lại hình ảnh định tính và định lượng quá trình sinh - bệnh lý và chuyển hóa của các bệnh lý thông qua dược chất phóng xạ được đánh dấu. Về nguyên lý, bất cứ đồng vị phóng xạ nào có khả năng phát positron đều có thể dùng làm chất đánh dấu trong chụp hình PET. Sự kết hợp giữa PET và CT trong cùng một hệ thống PET/CT cho phép khai thác tối ưu các lợi thế của PET là xác định hoạt tính chuyển hóa của tổ chức kết hợp với các thông tin xác định vị trí, biến đổi về hình thái, cấu trúc của tổn thương trên hình ảnh CT. Nhờ các tiến bộ không ngừng về công nghệ tạo ra các thế hệ PET/CT mới, sự phát triển liên tục các dược chất phóng xạ được sử dụng trong nghiên cứu và lâm sàng ngày càng góp phần khẳng định vai trò quan trọng của phương pháp này trong y học hiện đại.

Một cặp photon sinh ra từ sự hủy positron di chuyển theo 2 chiều trái ngược nhau được phát hiện bởi 2 detector đặt trong vòng detector. Vòng detector này được lắp đặt rất nhiều cặp detector để ghi nhận đồng thời nhiều cặp photon tạo ra từ bất kỳ vị trí nào trên đối tượng cần chụp hình. Mỗi cặp được ghi nhận và một mẫu dữ liệu thô được mã hóa, truyền về máy tính và được xử lý bởi những thuật toán chuyên dụng và cuối cùng cho ra kết quả là những hình ảnh của cơ quan cần khảo sát. Kể từ khi được ứng dụng trong lâm sàng năm 1998, các hệ thống PET được cải tiến không ngừng về công nghệ nhằm đạt được độ nhạy cao, tăng độ phân giải, giảm thời gian ghi hình.

Để khắc phục những hạn chế, đặc biệt là trong việc xác định vị trí tổn thương của PET, mô hình PET/CT đã ra đời từ năm 1992 và được thử nghiệm ứng dụng trong lâm sàng lần đầu tiên từ 1998 đến 2001 tại Pittsburgh, Hoa kỳ. Các hệ thống PET/CT thương mại đã được sản xuất từ năm 2001. PET/CT cung cấp không những thông tin về sinh lý- chuyển hóa mà cả hình ảnh giải phẫu trên cùng một hệ thống. Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy hình ảnh PET/CT có giá trị chẩn đoán chính xác hơn các thông tin từ PET hay CT riêng rẽ. Từ năm 2003, PET/CT bắt đầu thay thế PET và đến nay PET/CT đã thay thế hoàn toàn các hệ thống PET trong thực hành lâm sàng.

Quy trình chuẩn ghi hình PET/CT gồm các bước như trên hình 2: Sau khi sử dụng dược chất phóng xạ có đồng vị phát bức xạ positron, bệnh nhân được quét hình định hướng (scout scan) toàn thân để xác định phần chụp CT và PET (1). Bệnh nhân được chụp CT (2) nhằm mục đích xác định độ suy giảm của các mô cơ quan trong cơ thể và khu trú, đối chiếu vị trí tổn thương với hình ảnh PET. Tiếp theo là bệnh nhân được ghi hình PET (3). Sử dụng hệ số suy giảm có được từ phần chụp CT để hiệu chỉnh tán xạ và hiệu ứng suy giảm, hình ảnh PET và CT được trình bày riêng biệt (4). Trộn hình tạo nên hình ảnh kết hợp PET và CT (5).

2. FDG PET/CT ứng dụng trong lâm sàng tim mạch

Trong khoảng 20-30 năm qua, tỷ lệ tử vong do bệnh động mạch vành đã giảm xuống đáng kể do sự hiểu biết về cơ chế bệnh sinh và các phương pháp điều trị, đặc biệt là tái tưới máu bệnh động mạch vành. Các nghiên cứu lớn đã thấy giảm chức năng tâm thu thất trái là yếu tố độc lập và quan trọng nhất trong tiên lượng bệnh nhân suy tim do bệnh động mạch vành. Trước đây, nguyên nhân giảm chức năng thất trái ở bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành thường được cho là tổn thương không hồi phục do hậu quả của nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, ngày nay người ta đã chứng minh được rằng tình trạng rối loạn chức năng tâm thu kéo dài do thiếu máu cấp tính hoặc mạn tính dẫn đến những biến đổi chức năng co bóp của cơ tim nhưng vẫn có khả năng hồi phục sau tái tưới máu. Tình trạng giảm chức năng co bóp cơ tim ở các bệnh nhân suy tim do bệnh động mạch vành, kể cả sau nhồi máu cơ tim thường do cơ tim choáng váng (myocardial stunning), đông miên (myocardial hibernating) và/hoặc sẹo cơ tim sau nhồi máu cơ tim (post-myocardial infarction scar).

Cơ tim choáng váng (myocardial stunning) là tình trạng rối loạn chức năng co bóp có khả năng hồi phục của cơ tim, xảy ra sau khi lưu lượng dòng máu động mạch vành hồi phục sau cơn thiếu máu cục bộ cơ tim cấp tính. Cơ tim choáng váng đã được chứng minh bằng thực nghiệm trên động vật và ở những bệnh nhân được điều trị tái tưới máu trong nhồi máu cơ tim cấp, sau cơn đau thắt ngực không ổn định và ở bệnh nhân có những cơn thiếu máu cơ tim cục bộ sau gắng sức. Cơ tim choáng váng được coi là một dạng tổn thương sau tái tưới máu, oxy được cung cấp trở lại sau giai đoạn thiếu máu gây nên tình trạng quá tải tạm thời canxi, làm tổn thương bộ máy co bóp của cơ tim. Tình trạng giảm co bóp sau thiếu máu có thể được hồi phục hoàn toàn nếu không có thiếu máu tái phát và thời gian đủ dài cho phép cơ tim hồi phục. Cơ tim đông miên (myocardial hibernating) là tình trạng rối loạn chức năng thất trái kéo dài do giảm lưu lượng máu mạn tính nhưng còn khả năng hồi phục. Tình trạng giảm co bóp mạn tính này được cho giải thích là do cơ chế bảo vệ, tế bào cơ tim giảm nhu cầu oxy để duy trì khả năng sống. Tuy nhiên, cơ chế bảo vệ của cơ tim gây nên giảm đáng kể chức năng co bóp, vì vậy, giảm toàn bộ chức năng thất trái.

Dựa vào các đặc điểm và cơ chế sinh - bệnh lý của tổ chức cơ tim trong bệnh động mạch vành, người ta có thể sử dụng nhiều phương pháp để đánh giá khả năng sống của cơ tim. Các phương pháp được sử dụng khá phổ biến trong lâm sàng là chụp xạ hình SPECT với 201Tl, 99mTc-sestamibi, tetrofosmin, 18FDG-PET, siêu âm dobutamine và gần đây là chụp MRI.

- Siêu âm gắng sức dobutamin: Dobutamin liều thấp (5-10 mg/kg/phút) làm tăng co bóp ở vùng rối loạn chức năng còn khả năng hồi phục. Khi sử dụng liều cao (lên tới 40 mg/kg/phút kết hợp với atropin để tăng nhịp tim), vận động thành ở những vùng này có thể cải thiện hơn hoặc giảm do gây thiếu máu cục bộ. Tiêu chuẩn đối chiếu giá trị của phương pháp đánh giá khả năng sống còn cơ tim thường dựa vào sự hồi phục của chức năng thất trái sau can thiệp tái tưới máu.

- Chụp cộng hưởng từ: hình ảnh cine cung cấp thông tin về chức năng thất trái, vận đồng thành và độ dày thành thất. Sử dụng chất đối quang gadolinium để phát hiện vùng giảm tưới máu, tắc nghẽn vi mạch và vùng sẹo, xơ hóa. Các chất đối quang gadolinium không ngấm qua các tế bào cơ tim có màng tế bào nguyên vẹn, tuy nhiên, nó được phân tán và tích tụ ở khoảng ngoại bào hoặc đi vào các tế bào cơ tim khi màng tế bào bị phá vỡ (chẳng hạn như trong nhồi máu cơ tim). Phụ thuộc vào liều lượng, 10-15 phút sau khi tiêm, chất đối quang gadolinium thoát khỏi cơ tim bình thường nhưng vẫn còn lại ở tổ chức sẹo hay tổ chức nhồi máu cấp.

- Chụp xạ hình cắt lớp đơn photon SPECT: là phương pháp được sử dụng rộng rãi trong lâm sàng và đã xác định được giá trị tiên lượng của nó. Các chất đánh dấu phóng xạ được sử dụng hiện nay gồm Thallium-201 (201Tl) và các chất gắn với 99mTc. Việc bắt giữ 201Tl phụ thuộc vào lưu lượng máu và tính toàn vẹn của màng. Một số qui trình sử dụng 201Tl sau gắng sức hoặc khi nghỉ và ghi hình ở pha muộn và pha tái phân bố. Thu nhận hình ảnh ngay sau tiêm 201Tl phản ánh việc phân bố chất phóng xạ theo lưu lượng máu. Hình ảnh thu nhận 4 giờ đến 24 giờ sau tiêm chất phóng xạ là dấu ấn của sự toàn vẹn của màng tế bào, phản ánh khả năng sống của tổ chức. SPECT có độ nhạy cao hơn và độ đặc hiệu thấp hơn các kỹ thuật đánh giá vận động thành thất. Hạn chế của phương pháp này là bức xạ ion hóa, độ phân giải không cao và hiện tượng nhiễu do hiệu ứng suy giảm.

PET-CT có thể phân biệt vùng thiếu máu cơ tim xác định bằng hình ảnh chất đánh dấu tưới máu 13NH3 ammonia và hình ảnh chuyển hóa chụp bằng chất chuyển hóa 18FDG. Nguyên lý ứng dụng 18FDG-PET trong đánh giá khả năng sống còn của cơ tim như sau: Glucose được tế bào cơ tim sử dụng chủ yếu sau bữa ăn hoặc ở trạng thái thiếu máu cơ tim. Mức độ sử dụng glucose thể hiện khả năng chuyển hóa, sự sống của tế bào cơ tim. 18FDG được tiêm vào cơ thể và được tế bào cơ tim hấp thụ vào nội bào. Trong tế bào cơ tim, 18FDG được phosphoryl hóa trở thành 18FDG-6 phosphat và bị giữ lại, phân rã bức xạ positron. Các positron này gặp các electron lân cận sẽ kết hợp và xảy ra “hủy cặp”, tạo ra 2 photon có năng lượng 511keV, được ghi nhận trong detector và tạo hình ảnh PET.

Những vùng cơ tim giảm đồng thời cả tưới máu và bắt giữ 18FDG (“tương xứng giữa tưới máu - chuyển hóa”) được cho là vùng tổn thương không hồi phục. Trái lại, những vùng còn bắt giữ 18FDG hoặc tăng bắt giữ 18FDG nhưng giảm tưới máu (“không tương xứng giữa tưới máu-chuyển hóa”) được cho là thiếu máu cơ tim nhưng cơ tim còn khả năng sống. Ưu điểm của PET so với SPECT là độ phân giải cao hơn. Đến nay, sự phục hồi vận động thành của vùng cơ tim sau can thiệp tái tưới máu được coi là “tiêu chuẩn vàng” để đánh giá khả năng sống còn của cơ tim. Tổng hợp kết quả nghiên cứu cho thấy 18FDG-PET là phương pháp có độ nhạy cao nhất và siêu âm dobutamine có độ đặc hiệu cao nhất trong chẩn đoán vùng cơ tim còn khả năng sống sót. 18FDG-PET có giá trị dự báo dương tính và dự báo âm tính cao trong tiên lượng hồi phục vận động thành thất sau can thiệp tái tưới máu động mạch vành.

- Chỉ định 18FDG- PET đánh giá cơ tim sống sau nhồi máu cơ tim:

+ Xác định bệnh nhân thích hợp để can thiệp tái tưới máu động mạch vành khi một phần cơ tim mất vận động hoặc đông miên ảnh hưởng tới chức năng tâm thu thất trái.

+ Phân biệt tổ chức cơ tim giảm chức năng nhưng còn sống với sẹo nhồi máu cơ tim để quyết định điều trị ở bệnh nhân có bệnh tim thiếu máu cục bộ, giảm chức năng thất trái.

Về mặt lâm sàng, chỉ định chụp 18FDG-PET đánh giá khả năng sống cơ tim thường là các bệnh nhân nhồi máu cơ tim có suy chức năng tâm thu EF <40%, những xét nghiệm đánh giá cơ tim sống khác (siêu âm sử dụng dobutamine xạ hình sử dụng 99mTc - MIBI…) chưa đủ cho phép quyết định điều trị can thiệp tái tưới máu.

- Không có chống chỉ định của phương pháp, chỉ có chống chỉ định tuyệt đối vì lý do an toàn bức xạ đối với phụ nữ có thai. Những bệnh nhân có dị ứng với insulin hoặc rối loạn Kali máu nặng cần phải cân nhắc khi tiến hành.

- Đánh giá hình ảnh 18FDG PET chuyển hóa glucose cơ tim: Hình ảnh chuyển hóa 18FDG-PET thường được so sánh đồng bộ với hình ảnh tưới máu cơ tim (SPECT -MPI hoặc PET -MPI). Có các dạng hình ảnh tương ứng với tình trạng cơ tim sau:

+ Tổ chức cơ tim bình thường: vùng có trạng thái bình thường cả về tưới máu và chuyển hóa glucose.

+ Không tương đồng tưới máu-chuyển hóa (perfusion/metabolism mismatch): vùng cơ tim giảm tưới máu nhưng duy trì hoặc tăng chuyển hóa Glucose (duy trì / tăng bắt giữ 18FDG).

+Không tương đồng tưới máu-chuyển hóa ngược (reverse perfusion/ metabolism mismatch): vùng cơ tim tưới máu bình thường hoặc gần bình thường nhưng giảm chuyển hóa Glucose (giảm bắt giữ 18FDG).

+ Tương đồng tưới máu - chuyển hóa (perfusion-metabolism match): giảm nặng tưới máu và bắt giữ 18FDG.

Ba tình trạng tưới máu - chuyển hóa 18FDG đầu thể hiện khả năng cơ tim sống, có khả năng hồi phục sau can thiệp tái tưới máu. Tình trạng cuối thể hiện sẹo nhồi máu cơ tim, ít khả năng hồi phục sau can thiệp tái tưới máu. Một số trung tâm còn mô tả thêm tình trạng tương đồng giảm (nhẹ, vừa) tưới máu- chuyển hóa 18FDG (mild perfusion-metabolism match): giảm nhẹ, vừa tưới máu cơ tim cũng như chuyển hóa 18FDG. Nhưng do chức năng co bóp của cơ tim ở trường hợp này chỉ “tương đồng nhẹ” với tình trạng tưới máu / chuyển hóa cơ tim nên chức năng tim cải thiện không rõ rệt nếu can thiệp tái tưới máu (can thiệp tái tưới máu có ý nghĩa giảm các triệu chứng thiếu máu và giảm các biến cố do thiếu máu cơ tim).

-Đánh giá kết quả:

Hình ảnh 18FDG-PET về chuyển hóa glucose cơ tim thường được đánh giá kết hợp với hình ảnh SPECT tưới máu cơ tim pha nghỉ hoặc gắng sức. Đánh giá định tính, bán định lượng, định lượng tổn thương: trước tiên phải xác định vùng cơ tim bình thường (bắt giữ phóng xạ cao nhất), thường sử dụng hình ảnh tưới máu cơ tim pha gắng sức.

Các thông số đánh giá:

+ Độ rộng tổn thương: diện hẹp (5-10% cơ tim thất trái), trung bình (10-20% cơ tim thất trái), rộng (> 20 % cơ tim thất trái).

+ Đánh giá mức độ nặng của tổn thương định tính: nặng (mật độ phân bố phóng xạ giảm nhiều gần bằng hoặc tương đương phông lân cận), vừa (mật độ phân bố phóng xạ giảm đáng kể nhưng cao hơn rõ rệt so với phông lân cận), nhẹ (mật độ phân bố phóng xạ giảm hơn so với vùng cơ tim lành). Cơ tim có mật độ phân bố phóng xạ >50% so với vùng cơ tim lành được coi là có khả năng sống.

+ Khuyết xạ xuyên thành (transmural defect): khuyết xạ chiếm gần toàn bộ hoặc toàn bộ bề dày thành tim.

+ Đánh giá vận động vùng thành và thể tích, chức năng tâm thu thất trái bằng phương pháp cổng điện tim (ECG - Gated)

+ Đánh giá tổn thương tương đồng tưới máu- chuyển hóa dạng “match” hoặc “mismatch” trên hình ảnh 18FDG-PET và xạ hình tưới máu cơ tim với 99mTc-MIBI.

. Dạng “mismatch” không tương đồng tưới máu - chuyển hóa có nghĩa cơ tim có khả năng sống và có khả năng hồi phục sau can thiệp tái tưới máu.

. Dạng “match” đồng thời giảm nặng tưới máu và chuyển hóa có nghĩa là sẹo nhồi máu cơ tim, không hồi phục nếu như tiến hành can thiệp tái tưới máu.

Tại các trung tâm tim mạch lớn trong khu vực và trên thế giới, đánh giá cơ tim sống là một xét nghiệm thường quy đối với bệnh nhân nhồi máu cơ tim xét chỉ định can thiệp tái tưới máu. Chụp động mạch vành cung cấp thông tin về giải phẫu động mạch vành, mức độ tổn thương các động mạch vành, hệ thống bàng hệ, tuy nhiên không cho phép đánh giá, tiên lượng khả năng hồi phục chức năng nếu tiến hành can thiệp tái tưới máu. Những kỹ thuật không xâm nhập đánh giá cơ tim sống được sử dụng gồm siêu âm sử dụng Dobutamin, cộng hưởng từ MRI sử dụng Gadolium và các kỹ thuật tim mạch hạt nhân. 18FDG-PET là kỹ thuật y học hạt nhân chụp hình chuyển hóa cơ tim có độ nhạy cao nhất, cho phép lượng hóa cơ tim sống khi đồng thời đối chiếu với xạ hình tưới máu cơ tim. Với hệ thống PET/CT hiện đại cho phép giảm liều 18FDG, giảm thời gian chụp đồng thời cho hình ảnh chất lượng cao đồng bộ hóa với xạ hình tưới máu cơ tim sẽ giúp giảm chi phí chụp hình và được sử dụng rộng rãi trong lâm sàng tim mạch.

Để ghi hình phóng xạ 18FDG-PET/CT đánh giá khả năng sống của cơ tim, bệnh nhân phải nhịn ăn trước 4-6 giờ, không sử dụng tiêm truyền dịch thuốc có đường trong vòng 6 giờ. Đo kiểm tra đường máu: nếu trong khoảng 5,55-7,77 mmol/l thì tiêm 18FDG và chụp 18FDG-PET sau 45-60 phút. Nếu đường máu cao, phải dùng insulin tiêm tĩnh mạch, kiểm tra khi nào đường máu đạt 5,55-7,77 mmol/l thì mới tiêm 18FDG và chụp PET.

3. PET/CT ứng dụng trong bệnh lý tâm thần kinh

Não sử dụng glucose để sản xuất năng lượng, glucose đi vào các tế bào nơron thần kinh và các tế bào hình sao, chuyển hoá qua quá trình phosphoryl hoá thông qua hexokinase. Quá trình giải phóng năng lượng xảy ra tại các synap thần kinh thông qua con đường tricacbonxylic axit yêu cầu oxy và sinh năng lượng ATP cao (aerobic glycolysis). Con đường này là rất hiệu quả nhưng có thể không đáp ứng kịp thời nhu cầu năng lượng cho não hoạt động. Ngược lại tế bào hình sao chủ yếu sử dụng glucose qua con đường kỵ khí, cung cấp năng lượng thấp hơn nhưng tốc độ nhanh hơn, đáp ứng nhu cầu của các tế bào đệm. Sự chuyển hoá glucose của các tế bào thần kinh phản ánh chặt chẽ chức năng của các tế bào này kinh khi nghỉ cũng như khi hoạt động. Gắn 18F với glucose cho phép định lượng hoặc bán định lượng quá trình trao đổi chất tại các khớp nối tế bào thần kinh. Chất xám thần kinh sử dụng 40-60 mmol glucose/100g mô não, chất trắng sử dụng bằng 25-30% glucose so với chất xám. Các giá trị cao nhất được tìm thấy trong hạch nền, dưới đồi, vỏ não thuỳ chẩm, trong khi đó sừ chuyển hoá thất nhất được ghi nhận tại tiểu não, vỏ não thuỳ thái dương.

Ghi hình não với 18FDG - PET là một trong các kỹ thuật được thực hiện phổ biến nhất trong lĩnh vực y học hạt nhân. 18FDG-PET có giá trị trong phát hiện khối u, xác định mức độ lan rộng của khối u và độ ác tính cũng như đánh giá đáp ứng điều trị, phân biệt giữa mô u còn tồn tại với mô hoại tử do tia xạ khi kết quả trên hình ảnh MRI còn nghi ngờ.

11C - methionin (MET) là chất tham gia vào tổng hợp protein của khối u, rất hữu dụng cho việc phát hiện các khối u não. Một đặc trưng quan trọng của MET là có độ chính xác cao hơn so với 18FDG trong việc phát hiện những khối u não có độ ác tính thấp. Các hợp chất khác bao gồm [11C] và 18F- cholin và 18F- fluoro-thymidin (FLT) hiện tại đang được sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng với dự kiến có các kết quả tốt hơn.

Người ta cũng đã xác định được một số nhược điểm của kỹ thuật PET/CT trong đánh giá u não bằng 18FDG-PET. Ngay từ thời kỳ đầu, phương pháp ghi hình PET não đã được ghi nhận là ít chính xác đối với việc xác định những khối u có độ ác tính thấp trên mô bệnh học. Tỷ lệ chính xác thấp hơn này một phần là do trong chất xám vùng vỏ não thường có nồng độ 18FDG cao xuất hiện ở xung quanh khối u. Mặt khác, sự hấp thụ chất glucose đánh dấu cũng xảy ra trong những vùng có tổn thương viêm và/hoặc nhiễm trùng. Để cải tiến được độ chính xác trong việc phát hiện khối u người ta có thể chụp PET toàn thân 6 - 8 tuần sau khi hoàn thành điều trị hoặc thực hiện hàng loạt ghi hình vào nhiều thời điểm khác nhau sau khi tiêm 18FDG.

Bên cạnh việc đánh giá u não nguyên phát, một số ứng dụng lâm sàng chính của 18FDG-PET và PET/CT trong các bệnh lý thần kinh bao gồm đánh giá và phân biệt các tình trạng sa sút trí tuệ. Dựa vào dạng bắt giữ 18FDG, 18FDG-PET có thể chẩn đoán phân biệt một số dạng sa sút trí tuệ như bệnh Alzeimer, sa sút trí tuệ tổn thương vùng trán-thái dương, sa sút trí tuệ thể Lewy và do nhồi máu đa ổ. Bệnh Alzeimer có đặc điểm đặc trưng là giảm chuyển hóa 18FDG ở vùng thái dương - đỉnh và có thể ảnh hưởng tới vùng trán khi tiến triển nặng nhưng không tổn thương đến vùng vỏ não vận động. Độ nhạy và độ đặc hiệu của 18FDG -PET trong chẩn đoán bệnh Alzeimer là 80% và 70% khi so sánh với tiêu chuẩn lâm sàng. Nếu so sánh với sinh thiết não, độ nhạy là 90% và độ đặc hiệu 76%. Gần đây, người ta còn nghiên cứu sử dụng 11C-benzodiazepin hay phức hợp B Pittburgh gắn với amyloid protein để chẩn đoán bệnh Alzeimer.

Trên hình ảnh FDG/PET (hình 7.27) thấy giảm tưới máu (hypoperfusion) vùng thái dương và vùng đỉnh, thường ở cả 2 bán cầu đại não, có khi không cân đối. Khi bệnh tiến triển nặng mới có hiện tượng giảm tưới máu ở thùy trán.

18FDG-PET còn được sử dụng để xác định vị trí ổ tổn thương gây co giật, đặc biệt là các bệnh nhân động kinh thùy thái dương. Thông thường, chẩn đoán động kinh chủ yếu dựa vào điện não đồ. Chỉ định 18FDG-PET trong trường hợp này để khu trú vị trí tổn thương nhằm định hướng cho phẫu thuật ở các bệnh nhân điều trị nội khoa kém hiệu quả. Dạng tổn thương khu trú của ổ gây động kinh ngoài cơn thể hiện bằng hình ảnh giảm chuyển hóa 18FDG.

4. PET/CT ứng dụng trong bệnh lý viêm và nhiễm trùng

Các tổn thương viêm và nhiễm trùng thường bắt giữ, tăng hoạt tính 18FDG do tăng tưới máu và chuyển hóa của các tế bào viêm và đại thực bào. Vì vậy, 18FDG-PET có thể được sử dụng để chẩn đoán khu trú tình trạng nhiễm trùng tại tổ chức, đặc biệt là ở phần mềm và hệ thống xương- khớp. Hình ảnh 18FDG- PET toàn thân bình thường có thể loại trừ tình trạng nhiễm trùng khu trú. PET/CT cũng được sử dụng để chẩn đoán trong những trường hợp sốt không rõ nguyên nhân. Với các bệnh nhân nhiễm trùng, 18FDG-PET thường dễ dàng phát hiện tổn thương khu trú như các nhiễm trùng ở ngực, bụng, phần mềm, cốt tủy viêm. Với nhóm bệnh viêm không do nhiễm trùng, PET có thể phát hiện viêm các mạch máu lớn và các bệnh viêm khác như viêm ruột, bệnh sarcoidose, viêm tuyến giáp... Đồng thời 18FDG-PET có thể phát hiện các trường hợp sốt kéo dài do các bệnh hạch ác tính Hodgkin và không Hodgkin, ung thư đại-trực tràng, sarcoma...

(0)

Đăng nhập | Đăng ký

Bình luận

Đang tải dữ liệu loading

Đơn vị hợp tác